Uncategorized

Bắc Giang tiếp tục phát huy hiệu quả từ chương trình OCOP

DNTH: Kể từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tới nay, Bắc Giang đã đặt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần cải thiện diện mạo nông thôn mới của tỉnh. Tiếp nối những thành công đó, lãnh đạo tỉnh, các cơ quan và nhân dân tỉnh Bắc Giang nêu cao tinh thần, đưa ra những giải pháp linh hoạt, sáng tạo để phát huy hiệu quả từ Chương trình OCOP mang lại trong năm 2022.
Trap chứng nhận 4 sao
Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Công bố quyết định và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2021.

Năm nay, Bắc Giang tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan báo đài trung ương, địa phương tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội và các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP để tập trung phát triển các sản phẩm của địa phương.

Tăng cường các hoạt động tập huấn, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, tem nhãn mác, thương hiệu, hồ sơ sản phẩm cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận từ 3 sao trở lên và các chủ thể sản xuất có sản phẩm mới tham gia chương trình năm 2022. Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, marketing cho các bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở/hộ sản xuất; đào tạo lao động gắn với nhu cầu sản xuất sản phẩm OCOP.

Đối với các sản phẩm mới, trong năm nay, tỉnh rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, sản phẩm du lịch nông thôn. Mục tiêu đặt ra là tỉnh có thêm 25-30 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; nâng hạng sao cho từ 5-10 sản phẩm; phấn đấu xây dựng, phát triển ít nhất 01 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia (dự kiến vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ,…) để đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Sản phẩm Ocop đạt 4 sao năm 2021.
Sản phẩm Ocop đạt 4 sao năm 2021.

Tỉnh rà soát, lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch, phấn đấu cótối thiểu 01 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch của tỉnh.

Để tăng cường quảng bá sản phẩm, Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường đồng thời xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố; phối hợp đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn Thương mại điện tử.

 Bám sát xu thế phát triển của thời đại, Bắc Giang tiếp tục duy trì và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong: Truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát – chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP.

Ngoài ra, tỉnh còn lồng ghép, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách để tiếp tục hỗ trợ các chủ thể để hoàn thiện sản phẩm như hỗ trợ hạ tầng, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, in tem truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm.

Đồng thời đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu, sử dụng lao động địa phương.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang nhận định, chương trình mỗi xã một sản phẩm hiện nay là hướng đi đúng trong phát triển sản xuất sản phẩm nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy nội lực của chủ thể và những lợi thế của địa phương, đưa nông dân chủ động hội nhập và tiếp cận kinh tế thị trường, qua đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng trong xây dựng nông thôn mới.

Picture1
Vải thiều Lục Ngạn là một trong những sản phẩm phấn đấu đạt 5 sao cấp quốc gia.

Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 nhưng số lượng của các sản phẩm OCOP của Bắc Giang vẫn không ngừng tăng với tổng sản phẩm là 155 đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có số sản phẩm OCOP thuộc top đầu cả nước. Không chỉ phát triển về sô lượng mà các sản phẩm OCOP còn có những bước tiến về chất lượng, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu công nghiệp và được kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Công tác thông tin tuyên truyền cũng được duy trì và đạt những kết quả nổi bật. Đã có gần 300 tin, bài viết, phóng sự, clip truyền hình được thực hiện, đồng thời tỉnh đã triển khai biên tập và phát hành cẩm nang sản phẩm OCOP, duy trì website Sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang (http://ocopbacgiang.vn) để cung cấp các thông tin cần thiết về triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Đáng chú ý, các chủ thể tham gia chương trình OCOP đã chủ động nắm bắt xu hướng chuyển đổi số trong nông nghiệp từ đó làm quen và thâm nhập vào thị trường thương mại điện tử, bán hàng, quảng bá trên các kênh như: Shopee, Tiki, san24h,… với các sản phẩm OCOP của địa phương.

Từ những kết quả đạt được trong năm 2021, tỉnh Bắc Giang đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả và đưa ra những giải pháp linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2022 một cách toàn diện theo kế hoạch đã đề ra.

Nguồn:doanhnghiepthuonghieu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *