Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn đến năm 2030 của tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể góp phần cải thiện diện mạo nông thôn mới.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển và củng cố kiện toàn doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia thực hiện Chương trình OCOP và tổ chức các đợt xét nâng hạng các sản phẩm OCOP của địa phương.
Nắm bắt thị hiếu của đối tác và người tiêu dùng hiện nay, tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát – chứng thực của công tác quản lý nhà nước; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP.
Trong năm 2022, toàn tỉnh có 31 sản phẩm đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 của tỉnh; trong đó có 30 sản phẩm đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Có 1 sản phẩm là vải thiều Lục Ngạn của HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân có tiềm năng đạt OCOP 5 sao; có 8 sản phẩm tương đương 4 sao (đạt từ 70 đến dưới 90 điểm); 22 sản phẩm tương đương 3 sao (đạt từ 50 đến dưới 70 điểm).
Như vậy, cùng với các sản phẩm OCOP đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và số sản phẩm được công nhận đợt 1 năm 2022, đến hết tháng 8/2022 tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó, có 01 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 43 sản phẩm 4 sao và 141 sản phẩm 3 sao) thuộc tốp đầu các tỉnh có số sản phẩm OCOP trên cả nước.
Tỉnh Bắc Giang cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 350 – 400 sản phẩm OCOP; trong đó, có khoảng 3 – 5 sản phẩm 5 sao; 50 – 60 sản phẩm 4 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Bắc Giang phát triển thêm 2 – 3 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cấp quốc gia, sản phẩm đạt 90 – 100 điểm, có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Để có được kết quả trên, tỉnh Bắc Giang thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, của cán bộ chuyên trách đến các cơ sở sản xuất, HTX tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng và hình thức nhãn, mác, bao bì… Ngoài ra, tỉnh định hướng các cơ sở sản xuất mạnh dạn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP, đặc biệt là những sản phẩm đã đạt sao cần phải được chú trọng đến các khâu chất lượng hơn để giữ được danh hiệu.
Không những đẩy mạnh chất lượng và mẫu mã sản phẩm, bước xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, xây dựng các điểm giới hiệu sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử, thành lập những tổ giám sát của cộng đồng, kiểm tra chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nhiên liệu… cũng được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm, thực hiện rất chặt chẽ các khâu.
Nhờ đó, một số sản phẩm OCOP là thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước như: Sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường Pháp; các sản phẩm Giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; Bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc; Mỳ Chũ Green sang Nhật; vải khô sang thị trường Trung Đông; sản phẩm rau, củ, quả của HTX Yên Dũng…
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các chủ thể có sản phẩm được đánh giá, xếp hạng tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Với các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng để khuyến khích các chủ thể phát triển, mở rộng quy mô sản xuất và lan tỏa tinh thần xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.
Để phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP của địa phương, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh chú trọng tuyên truyền người trồng trọt, chăn nuôi, chế biến các sản phẩm đặc sản của địa phương tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo chất lượng cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và đưa ra thị trường quốc tế./.
Nguồn: ictvietnam.vn