Nhằm nâng tầm vị thế, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Bắc Giang đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Xác định phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững, Hội Nông dân Bắc Giang đã phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Nhờ vậy, những năm gần đây, sản lượng, chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được nâng cao, từng bước đưa ngành nông nghiệp của địa phương lên một tầm cao mới.
Đối với các sản phẩm OCOP đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Có nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như VietGap; Global Gap…
Ông Nguyễn Văn Luy, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là một trong 6 tỉnh đầu tiên của cả nước xây dựng đề án về sản phẩm OCOP. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 155 sản phẩm được công nhận OCOP. Chỉ tính riêng đợt 1 năm 2022 Bắc Giang công nhận 08 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Về cơ bản, các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng của Bắc Giang đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh.
Chia sẻ về những lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết ông Luy cho biết thêm, trước đây nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) với những sản phẩm đặc trưng sản xuất theo phương thức truyền thống nhưng từ khi tham gia vào chương trình OCOP đã đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, quy định về an toàn thực phẩm và môi trường,…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Dương Thanh Tùng, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô từ vài chục ha đến vài chục nghìn ha với một số loại cây trồng chủ lực như lúa chất lượng cao, rau an toàn, vải thiều, cam, bưởi… Như vậy có thể thấy, nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang luôn là điểm sáng, nổi bật, đứng trong tốp đầu so với các tỉnh, thành phố trong cả nước với nhiều đặc sản nổi tiếng như, vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, bánh đa Kế, gà đồi Yên Thế…
Là một trong số những HTX tiên phong trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất gà đồi Yên Thế theo chuỗi liên kết chăn nuôi – giết mổ – chế biến – tiêu thụ sản phẩm có gắn tem truy xuất nguồn gốc ông Giáp Quý Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế cho biết, với mục tiêu đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tới tay người tiêu dùng HTX đã đặc biệt quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản phẩm “gà đồi Yên Thế” theo chuỗi mô hình phong phú và đa dạng.
Đối với các sản phẩm gà đồi của thành viên và các hộ chăn nuôi có liên kết với HTX được chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật khép kín và có sổ sách theo dõi, quản lý, đảm bảo thời gian nuôi cũng như thời gian cách lý các loại thuốc kháng sinh trước khi được xuất bán ra thị trường. Ngoài ra, các thành viên HTX cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật do HTX và cơ quan chức năng tổ chức.
“Nhằm tạo hướng đi mới cho sản phẩm gà đồi Yên Thế để cung ứng vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích,… chúng tôi đã có 2 sản phẩm đó là, giò gà và thịt gà đóng túi hút chân không, hiện tại đang được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao” ông Cường chia sẻ.
Như vậy có thể thấy, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đồng thời đây cũng là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân cũng như doanh nghiệp. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn