Tiền đề để phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Các giải pháp đều nhằm khai thác tốt lợi thế sẵn có của từng địa phương biến sản phẩm thường ngày thành được đầu tư bài bản giúp đa dạng hoá đầu ra cho sản phẩm, gia tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh Bắc Giang đã và đang thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP “Mỗi xã một sản phẩm”, trong hơn 4 năm qua, tỉnh Bắc Giang đã ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, sản phẩm chế biến chuyên sâu, sản phẩm truyền thống gắn với tiềm năng lợi thế của địa phương, nhất là lĩnh vực nông nghiệp được áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; GMP; VietGAP;… có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước, là tiền đề để phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Tập trung phát triển chất lượng của sản phẩm
Lũy kế đến hết tháng 8 năm 2022, tỉnh đã công nhận 180 sản phẩm OCOP trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia; 43 sản phẩm 4 sao và 141 sản phẩm 3 sao, đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP thuộc Top đầu cả nước (đứng thứ 2 khu vực Miền núi phía Bắc, sau Hà Giang và đứng thứ 7 cả nước), đặc biệt trong năm 2021 khi Bắc Giang chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch Covid 19 tác động trực tiếp đến việc triển khai chương trình nhưng số lượng sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên cao nhất tính đến thời điểm đó với 61 sản phẩm, vượt kế hoạch 174%.
Đáng quan tâm, các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá, phân hạng đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hoá, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng sản phẩm và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Đạt được kết quả như vậy là do tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm chú trọng, phát triển chương trình OCOP theo hướng sản xuất hàng hoá, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xác định rõ các nhóm nông sản đặc trưng, thế mạnh và tiềm năng. Nhiều sản phẩm đã có thương hiệu tiến dần đến thương hiệu sản phẩm quốc gia và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc,… như vải thiều, mỳ Chũ. rau, củ, quả,… Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP thông qua việc hỗ trợ xây dựng mã vùng trồng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc và đưa sản phẩm từ chủ thể của các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ xây dựng điểm trưng bày sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm chủ lực, tiềm năng vào các chuỗi siêu thị,…
Sản phẩm Vú sữa Hợp Đức – Tân Yên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nếu nói đến đặc sản Bắc Giang mà chỉ nhắc đến vải thiều thì đúng nhưng chưa đủ, bởi, vải thiều chỉ ở một hai huyện, nhưng đặc sản nông nghiệp của tỉnh thì xã nào cũng có. Do đó, Bắc Giang xác định có 2 trục để phát triển, một là trục nông sản có sản lượng, quy mô lớn như thịt lợn, vải thiều,… hai là trục đặc sản địa phương có khối lượng không nhiều, mục đích là khai thác thế mạnh của từng địa phương bằng cách thúc đẩy phát triển mô hình các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất.
Điển hình phải kể đến Hợp tác xã nông nghiệp Quyên Phong (thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) với sản phẩm ổi Tân Yên – sản phẩm tham gia nâng hạng sao OCOP năm 2022 (từ 3 sao lên 4 sao). Sản lượng trung bình mỗi ngày hái 1 tạ quả do HTX tính toán được mùa vụ và chủ động thu hoạch theo phương pháp gối vụ quanh năm kết hợp với triển khai định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng ổi luôn bảo đảm, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, sản phẩm ổi khi được thu hoạch chủ yếu được thu mua bởi thương lái hoặc bán tại các chợ địa phương. Vì vậy, để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, HTX Nông nghiệp Quyên Phong đã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP với mong muốn sản phẩm sẽ có thị trường tiêu thụ mạnh hơn thông qua các điểm bán hàng, từng bước hướng đến xuất khẩu song song với tiêu thụ nội địa.
Thu hoạch sản phẩm ổi OCOP 3 sao tại HTX Nông nghiệp Quyên Phong.
Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Bắc Giang
Trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu có 5 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, tối thiểu có 30% số sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 sao; Tập trung tiêu chuẩn hoá, nâng hạng, duy trì xếp hạng khoảng 260 sản phẩm OCOP, trong đó có 237 sản phẩm thực phẩm, 10 sản phẩm đồ uống, 8 sản phẩm thảo dược, 02 sản phẩm lưu niệm nội thất trang trí và 3 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch hấn đấu đến năm 2025 có 5 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, tối thiểu có 30% số sản phẩm đạt 4 sao, còn lại là các sản phẩm đạt 3 sao; Triển khai thực hiện từ 1-3 mô hình làng văn hóa du lịch kết hợp với sản phẩm OCOP; Thành lập tối thiểu 15 HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh/năm có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho tối thiểu 250 lượt chủ thể/năm, phấn đấu đến năm 2025 có 100% số chủ thể thành lập mới được đào tạo và nắm rõ bản chất, mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phấn đấu mỗi năm có 25 lượt chủ thể được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại ngoại tỉnh; 100% số sản phẩm được công nhận OCOP được trưng bày tại các kỳ hội chợ….
Giải pháp cho mục tiêu dài hạn
Để làm được mục tiêu đã đề ra, các Sở ban ngành địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tích cực tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đói; Thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình OCOP; Tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển một số sản phẩm thế mạnh hướng tới thị trường xuất khẩu; Hình thành mạng lưới các doanh nghiệp, chủ thể kinh tế làm động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; Duy trì các sản phẩm OCOP đã được công nhận; Nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Nguồn: www.nguoiduatin.vn