Uncategorized

SẢN PHẨM OCOP BẮC GIANG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP (One commune, one product) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản (One village, one product – OVOP),  được triển khai ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Mỗi xã một sản phẩm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện vào năm 2018. Tính đến ngày 31/8/2022, chương trình đã được triển khai tại 63 tỉnh thành trên cả nước, tất cả 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, có 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1,0% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao. Có 4.351 chủ thể OCOP, trong đó có 38,3% là HTX, 26,1% là doanh nghiệp, 33,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

1. Tình hình thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang năm 2022

Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo. Từ lợi thế này, trong triển khai thực hiện chương trình OCOP, Bắc Giang đặc biệt chú trọng chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP. Đây chính là bước mở để kinh tế nông thôn phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, phát triển bền vững.

Theo kết quả đánh giá, phân hạng của Hội đồng OCOP cấp tỉnh đợt 1 năm 2022, trong tổng số 31 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP đợt 1 có 26 sản phẩm tham gia mới và 5 sản phẩm thực hiện đánh giá lại hoặc nâng hạng sao do hết thời gian công nhận. Trong đó, có 08 sản phẩm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm (tương đương 4 sao) và 01 sản phẩm có tiềm năng đạt OCOP 5 sao bao gồm: Mỳ ngũ sắc và Mỳ gạo Chũ Xuân Trường (xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn); Giò Gà (HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế); Nụ hoa Sâm Nam núi Dành khô (HTX sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Liên Chung, Tân Yên); Giò lụa heo thảo dược, Chả lụa heo thảo dược, Xúc xích heo thảo dược Bình Minh (HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa ) và sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn của HTX Nông nghiệp sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân có tiềm năng đạt OCOP 5 sao.

Cùng với các sản phẩm OCOP đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận và số sản phẩm được công nhận đợt 1 năm 2022, đến hết tháng 8/2022 tỉnh Bắc Giang có 180 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó, có 01 sản phẩm tiềm năng tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; 43 sản phẩm 4 sao và 141 sản phẩm 3 sao). Đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh có số sản phẩm OCOP thuộc top đầu cả nước (đứng thứ 12 cả nước; đứng thứ 02 Khu vực trung du miền núi phía Bắc sau tỉnh Hà Giang), thuộc tốp đầu các tỉnh có số sản phẩm OCOP trên cả nước. Về cơ bản các sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng của tỉnh Bắc Giang đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh. Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Có nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng như ISO 22000; HACCP; GMP; VietGap; Global Gap… có khả năng đáp ứng được yêu cầu của các thị trường lớn và hướng tới xuất khẩu.

Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, tiêu thụ, nhiều nông sản chủ lực và các sản phẩm OCOP của Bắc Giang cũng đã mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, chất lượng. Nhờ đó, một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu sang thị trường các nước như: Sản phẩm của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu VIFOCO xuất khẩu sang thị trường Đức; các sản phẩm của Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất khẩu sang thị trường Pháp; các sản phẩm Giấm của Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang Lục Ngạn xuất sang thị trường Trung Quốc; Bánh nông sản Bình Minh xuất sang thị trường Hàn Quốc;… Đặc biệt là các sản phẩm vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia,…Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm có khả năng xuất khẩu cao, được xuất khẩu dưới dạng gia công hoặc qua bên thứ ba như: Mỳ Chũ Green sang Nhật Bản; vải khô sang thị trường Trung Đông; sản phẩm rau, củ, quả của HTX rau sạch Yên Dũng; Cam, bưởi Lục Ngạn … Những năm gần đây, sản lượng, chất lượng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang ngày càng đi vào chiều sâu, các chủ thể sản xuất đã quan tâm hơn đến việc hướng sản phẩm của mình ra các thị trường tiềm năng ngoài nước.

Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình, tỉnh Bắc Giang đã đạt được kết quả toàn diện, Số lượng sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên năm sau cao hơn năm trước. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, thu hút sự tham gia, đồng hành của nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất, kinh doanh. Hiệu ứng lan toả của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng gia tăng giá trị nông sản, giải quyết việc làm cho người lao động mà còn góp phần nâng tầm vị thế sản phẩm nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

2. Mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ

Nhằm lan tỏa các kết quả đã đạt được, theo kế hoạch năm 2022, Bắc Giang phấn đấu có thêm từ 25 đến 30 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 2 đến 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Tỉnh Bắc Giang cũng sẽ xây dựng, phát triển ít nhất 1 sản phẩm cấp quốc gia, đạt 5 sao. Các sản phẩm được quan tâm xây dựng là vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ gạo Chũ,… Trong năm nay, Bắc Giang phấn đấu nâng hạng sao từ 5 đến 10 sản phẩm OCOP của tỉnh.

Để sản phẩm OCOP của Bắc Giang phát triển bền vững và nâng tầm vị thế, giá trị UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 495/KH-UBND ngày 09/02/2022 của UBND tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, người dân và các chủ thể OCOP trên địa bàn về Chương trình OCOP, hiểu được hạng sao OCOP. Các sở, ban, ngành và địa phương của Bắc Giang cần thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý chương trình sản phẩm OCOP, xây dựng website OCOP… đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, triển khai nhiều cuộc hội thảo, phương án, kế hoạch tạo cơ hội kết nối giữa các tổ chức kinh tế, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để nâng cao hơn nữa trình độ sản xuất, chất lượng sản phẩm OCOP. Tỉnh tập trung đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị bằng nhiều hình thức như: Xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên; triển khai xây dựng điểm, trung tâm quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cấp huyện… đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, tham gia vào chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển bền vững. Bắc Giang cũng có chính sách hỗ trợ các chủ thể quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại, triển lãm, trên các trang thương mại điện tử website: ocop.bacgiang.gov.vn; Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam trực tuyến; Postmart-VNPost; hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia./.

Nguồn: vioit.org.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *